Phát triển văn hóa thông qua đổi mới tổ chức hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học

Lượt xem:


Thực hiện các hướng dẫn tại Công văn số 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 18/10/2014 Hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, Công văn số 4509/BGDĐ-GDTrH ngày 03/9/2015 Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục Trung học năm học 2015-2016 và Công văn số 6841/BGDĐT-GDTX của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đổi mới thư viện và phát triển văn hoá đọc trong nhà trường, có thể triển khai một số biện pháp phát triển văn hóa đọc thông qua đổi mới hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học sau:

1. Thông qua đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học

1) Xây dựng kế hoạch hướng dẫn học sinh phương pháp đọc sách nhằm phát riển chuyên môn cũng như đọc sách, báo nói chung (kĩ thuật đọc hiệu quả, cách duy trì hứng thú đọc, cách sử dụng kết quả đọc, cách lập thư mục tài liệu tham khảo,…). Dạy cách đọc sách là một cách thức dạy học sinh tự học, tự phát huy tiềm năng, tự phát triển toàn diện theo sở thích, nhu cầu của mỗi cá nhân; vì vậy cần phải mở các lớp giáo dục kĩ năng, phương pháp đọc, phương pháp thu thập và xử lí thông tin cho học sinh. Ví dụ: ở lứa tuổi mầm non, học sinh có thể được nghe, rồi phụ huynh hướng dẫn cách xem truyện tranh để hiểu, để nhớ, để kể lại được chuyện; nhưng khi vào Tiểu học, học sinh cần được giáo viên hướng dẫn cách đọc sách, báo, để hỗ trợ việc học… Ở mức cao hơn, học sinh cần được hướng dẫn cách đọc từng loại sách, báo: cách đọc sách lịch sử khác với cách đọc sách văn học, cũng khác với cách đọc sách toán học,… Và ở mức cao hơn nữa: đọc thơ khác với đọc truyện, đọc văn miêu tả khác với văn kể chuyện, khác với văn thuyết minh,…

2) Theo tinh thần “chuyển giao nhiệm vụ học tập cho mỗi học sinh”, thực hiện đổi mới yêu cầu chuẩn bị bài học của học sinh thông qua phiếu giao nhiệm vụ học tập để học sinh chủ động khai thác thông tin từ việc đọc sách giáo khoa và các loại sách báo tham khảo, bổ sung hoặc thay thế việc đơn thuần chỉ yêu cầu trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa. Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, cần coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học tập ở nhà theo hướng tăng cường khai thác kiến thức, dữ liệu/ngữ liệu từ các nguồn sách báo, tài liệu phù hợp với chương trình môn học, lớp học và cấp học. Ví dụ: ứng với từng chương, từng phần kiến thức trong chương trình cần đọc loại sách báo gì, ở mức độ nào để củng cố; mức độ nào để mở rộng; mức độ nào để nâng cao,…

3) Trên cơ sở rà soát và đối chiếu với nội dung chương trình các bộ môn và hoạt động giáo dục, hướng dẫn học sinh cách khai thác nguồn tài nguyên của thư viện; từ đó hướng dẫn học sinh kết nối và bổ sung giữa nguồn tài nguyên trong thư viện với nội dung chương trình môn học, thúc đẩy ý thức tự giác đọc sách, hình thành thói quen đọc sách để giải quyết nhiệm vụ học tập. Muốn thực hiện biện pháp này, học sinh cần được biết các nội dung sách báo có thể khai thác tại thư viện của trường và của lớp, các nội dung cần tìm kiếm ở thư viện khác hoặc trên internet. Ví dụ: liên quan đến chương thực vật trong môn Sinh học cần khai thác thêm các tài liệu gì? Liên quan đến phần văn bản nhật dụng trong môn Ngữ văn cần khai thác tài liệu minh hoạ/mở rộng ở đâu?,…

4) Linh hoạt trong việc lựa chọn xây dựng nội dung chủ đề/bài học để tổ chức một số giờ học, bài học/hoạt động giáo dục, sự kiện, giao lưu, các cuộc thi, các buổi tọa đàm (có thể theo định kì hằng tháng hoặc theo chủ đề như: vẻ đẹp của văn học kháng chiến; tìm hiểu sự đa dạng sinh học; các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai; hành trang khởi nghiệp,…) tại thư viện trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên của thư viện và các hiệu ứng kết hợp của các hình thức thể hiện.

5) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học; tăng cường tổ chức mô hình trường học kết nối, dạy học theo dự án, dạy học theo chủ đề, tích hợp liên môn,…  nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học, khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; thực hiện dạy học thông qua di sản theo Hướng dẫn số 73/HD-BGDĐT-BVHTTDL ngày 16/01/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch bằng cách: khuyến khích học sinh đọc sách báo mở rộng để tự phát hiện vấn đề; thông qua việc giao đề tài, đề án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ứng dụng cùng với các gợi ý về cách thức giải quyết vấn đề cho học sinh.

6) Để đáp ứng “nhu cầu phát triển và phát huy tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân”, đẩy mạnh việc hình thành và tổ chức hiệu quả các loại hình sinh hoạt câu lạc bộ “Em yêu khoa học” và xây dựng cũng như sử dụng hiệu quả các tủ sách chuyên đề như tủ sách “STEM”, “Lịch sử và văn hóa”, “Vật lí vui”, “Thường thức pháp luật”, “Toán học và tuổi trẻ”, “Văn học và tuổi trẻ”,… thu hút học sinh tham gia thuyết trình, báo cáo, chia sẻ kết quả nghiên cứu.

2. Thông qua đổi mới hoạt động kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học

1) Khuyến khích học sinh đọc sách thông qua việc kết hợp một cách hợp lí giữa kiểm tra lí thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra; tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn; tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Muốn thực hiện yêu cầu này, tránh ra các câu hỏi hướng vào đánh giá sự ghi nhớ máy móc; mà cần ra các câu hỏi hướng người học vào suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo. Ví dụ: từ bài học về chủ đề gia đình, hãy nêu suy nghĩ về vấn nạn bạo lực gia đình được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây? (môn Giáo dục công dân); từ các tác phẩm văn học đã học và đã đọc, hãy trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề bình đẳng giới? (môn Ngữ văn); từ các bài học trong chương trình, hãy phân tích và đề xuất giải pháp ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (môn Hoá học, Sinh học,…).

2) Thúc đẩy hoạt động đọc của học sinh thông qua đổi mới cách thức kiểm tra đánh giá: khuyến khích học sinh đọc sách báo mở rộng để cập nhật thông tin trong hồ sơ học tập, vở học tập; qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video clip…) về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập; qua tham gia Cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật theo Công văn số 3162/BGDĐT-GDTrH ngày 24/6/2015 của Bộ GDĐT và Cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn dành cho học sinh trung học theo Công văn số 3790/BGDĐT-GDTrH ngày 29/7/2015.

3) Tích cực tổ chức hoạt động đề xuất và lựa chọn, hoàn thiện các câu hỏi, bài tập kiểm tra theo định hướng phát triển năng lực để bổ sung cho thư viện câu hỏi của trường. Tăng cường xây dựng nguồn học liệu mở (thư viện học liệu) về câu hỏi, bài tập, đề thi, kế hoạch bài học, tài liệu tham khảo có chất lượng trên website của Bộ (tại địa chỉ http://truonghocketnoi.edu.vn), của sở/phòng GDĐT và các trường học.

Tăng cường đánh giá sự vận dụng kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông vào thực tiễn đời sống; tiếp tục mở rộng qui mô và mức độ thường xuyên gắn kết yêu cầu và phạm vi vấn đề kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông với những vấn đề thời sự của quê hương đất nước và quốc tế thể hiện qua sự cập nhật thông tin khai thác, tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu, sách báo ngoài chương trình khi xây dựng đề thi, kiểm tra theo ma trận. Ví dụ: yêu cầu học sinh trình bày thái độ trước sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 trái phép, vi phạm chủ quyền của nước ta (Đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2014); yêu cầu học sinh thể hiện tình cảm của mình đối với người lính đảo qua một đoạn thơ của Trần Đăng Khoa (Đề thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2015),…

3. Kết luận

Mortimer J.Adler – tác giả của tác phẩm kinh điển về đọc sách thông minh đã từng khẳng định: “Đọc tốt, hay đọc tích cực, không chỉ tốt cho bản thân việc đọc, cũng không chỉ là một phương tiện giúp ta tiến bộ trong công việc hay nghề nghiệp. Nó còn giúp ta giữ cho trí óc sống và phát triển”.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu quan điểm: “Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực”. Theo đó, việc đổi mới hình thức hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học có ý nghĩa thiết thực góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường đồng thời giúp học sinh rèn luyện năng lực tự học và học tập suốt đời.

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh, Về vấn đề giáo dục, Nxb Giáo dục, 1990.

2. Nguyễn Cảnh Toàn (chủ biên) (1997), Quá trình dạy – tự học, Nxb Giáo dục.

3. Richard Paul, Linda Elder (2015), Cẩm nang tư duy đọc, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Mortimer J.Adler, Charles Van Doren (2015), Phương pháp đọc sách hiệu quả, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015): Kỉ yếu Hội thảo “Phát triển văn hoá đọc trong nhà trường và cộng đồng“.

TS. Nguyễn Trọng Hoàn (Vụ Giáo dục Trung học – Bộ Giáo dục và Đào tạo)